Trái Tim Người Nô Lệ


Truyện ngắn Trung Hoa

Tác Giả: Ba Kim
Nguyễn Vạn Lý phỏng dịch

*

Tác Giả và Tác Phẩm:

Nhà văn Ba Kim của Trung hoa tên thực là Lý Nghiêu Ðường, tự là Phế Cam. Cái bút hiệu Ba Kim của ông là do ghép vần đầu và vần cuối tên của hai nhà văn tây phương mà ông ưa thích là Bakunine và Kropotkin. Ba Kim sinh năm 1905 tại Thành Ðô tỉnh Tứ Xuyên, trong một gia đình đại địa chủ giầu có, và trong nhà có rất nhiều nô bộc hầu hạ. Ông bẩm sinh rất đa sầu đa cảm, hay thương người. Từ ngay trong gia đình ông, Ba Kim đã được chứng kiến cuộc sống khốn khổ của những người nghèo phải bán mình làm nô bộc cho nhà giầu, và từ đó ông dấn thân vào một cuộc đời tranh đấu cho mọi người được sống bình đẳng, tự do và hạnh phúc.

Truyện ngắn “Trái Tim Người Nô Lệ” dưới đây được viết năm 1931, hai năm sau khi Ba Kim du học từ Pháp trở về nước, nói lên cái thảm kịch của hàng triệu người nô lệ cha truyền con nối, trong cái xã hội phong kiến cổ Trung hoa.

*
* *

Một hôm Bành hãnh diện bảo tôi, “Ông cha tôi là nô lệ!”

Nhiều bạn bè của tôi đã kể cho tôi nghe về gốc gác gia đình họ, và tất cả đều nói một cách tự mãn, “Ông cha tôi có cả bầy nô bộc!” Phần lớn gia đình họ vẫn còn nhiều nô bộc; mặc dầu một vài người bây giờ có ít nô bộc hơn trước, hoặc không còn nô bộc nữa, nhưng cử chỉ và lối nói của họ minh chứng rằng họ đang quay nhìn lại cái thời vàng son đó một cách luyến tiếc.

Về phần tôi, tôi nhớ rằng ông cố tôi có bốn nô lệ, ông nội tôi có tám, và cha tôi có mười sáu. Tôi thừa hưởng tất cả mười sáu người nô lệ của cha tôi, và rất sung sướng được làm chủ nô lệ. Và tôi có tham vọng gia tăng số nô lệ của tôi từ mười sáu lên ba mươi hai.

Nhưng Bành đã đến trong đời tôi, và đã nói không đắn đo suy nghĩ, mà còn có vẻ hãnh diện, rằng ông cha của anh đã từng là nô lệ. Tôi nghĩ anh là người bất thường.

Tôi không biết gốc gác của Bành, nhưng chúng tôi là bạn. Tình bạn này xảy ra một cách khác thường. Anh nhảy vào đời tôi một cách tình cờ. Chuyện xảy ra như sau:

Một buổi chiều khi ở đại học ra về, trí óc tôi đang mải suy nghĩ một vấn đề gì đến nỗi tôi không để ý tới đường đi. Một chiếc xe hơi chạy ngay đằng sau tôi, bóp kèn inh ỏi, nhưng hình như tôi không nghe thấy gì cả. Ðáng lẽ tôi đã bị xe cán chết rồi nếu không có một bàn tay mạnh mẽ, nắm lấy cánh tay tôi và kéo mạnh tôi vào lề đường. Tôi gần như ngã nhào xuống, nhưng thoát hiểm. Khi tôi đứng lên ngay ngắn và nhìn quanh, tôi thấy một thanh niên cao và gầy đứng sau lưng tôi và đang nhìn tôi trừng trừng. Anh không trả lời tôi khi tôi cám ơn, chỉ đứng nhìn như xoáy vào tôi. Cuối cùng anh lên tiếng, dường như tự nói với mình, “Lần sau phải cẩn thận.” Sau đó anh bỏ đi. Nhưng chúng tôi trở nên quen biết nhau.

Tại đại học, chúng tôi học khác phân khoa, tôi học văn chương còn Bành theo môn khoa học xã hội. Chúng tôi không dự thính cùng một lớp, nhưng vẫn đụng nhau ngoài hành lang. Mỗi lần như thế chúng tôi chỉ trao đổi một vài lời, hoặc chẳng nói gì cả, chỉ lạnh lùng nhìn nhau. Tuy vậy chúng tôi đã trở thành bạn.

Chúng tôi ít khi nói chuyện với nhau lâu, và cũng không nói đến những chuyện lẩm cẩm về thời tiết. Khi chúng tôi nói chuyện, bao giờ cũng là một vấn đề gì đó.

Bạn có thể cho rằng chúng tôi là bạn tốt với nhau, tuy vậy tôi vẫn không thích Bành. Chính vì lòng biết ơn và tò mò mà tôi tiếp tục là bạn với anh. Tôi có thể kính trọng anh, nhưng chắc chắn không thích anh. Cái bề ngoài, lối nói và cử chỉ của anh không hề có một vẻ thân thiện. Bất cứ ở đâu Bành cũng có vẻ khắc khổ.

Tôi không biết nguồn gốc của Bành, vì anh chưa bao giờ kể cho tôi biết. Nhưng nhìn và xét đoán anh ở đại học, thì anh không thuộc về một gia đình khá giả. Anh sống rất tằn tiện, hoàn toàn khác hẳn lối sống của những sinh viên khác, không mặc âu phục, không đi coi chiếu bóng hoặc khiêu vũ. Ngoài lúc dự thính những giờ diễn giảng, anh chỉ nằm trong phòng để đọc sách, hoặc đi dạo tại sân chơi hoặc ngoài đường phố. Anh không bao giờ mỉm cười, mà chỉ trầm tư suy nghĩ.

Phải, tôi tự hỏi anh đang suy nghĩ gì. Trong suốt ba năm chúng tôi là bạn học, lúc nào tôi cũng thấy anh trầm tư suy nghĩ. Một hôm tôi không thể không hỏi anh, “Này anh Bành, lúc nào anh cũng suy nghĩ cái gì vậy?”

Bành lạnh lùng trả lời, “Anh không hiểu được đâu,” rồi bỏ đi ngay.

Anh nói đúng – tôi không hiểu tại sao một thanh niên lại có thể u sầu và lập dị như vậy. Sự ngạc nhiên không được thỏa mãn của tôi thúc đẩy tôi phải giải đáp sự bí ẩn này. Thế là tôi chú ý hơn nữa tới cử chỉ của anh, những sách anh đọc và bè bạn của anh.

Tôi khám phá rằng tôi dường như là người bạn duy nhất của anh. Dĩ nhiên anh cũng quen biết một vài người khác, nhưng không ai thích thân mật với anh, nhất là anh không có vẻ muốn làm bạn với ai. Anh lạnh lùng nhìn mọi người, không thèm mỉm cười ngay cả khi nữ sinh viên nói chuyện với anh. Và mặc dù tôi thân với anh, nhưng anh cũng đối xử lạnh lùng với tôi. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao tôi không thích anh.

Tôi quan sát cách đọc sách của anh. Anh đọc bất cứ cái gì, cả những cuốn sách kỳ cục mà tên tác giả tôi chưa bao giờ nghe thấy. Nhiều cuốn sách anh đọc đã nằm yên trên kệ sách từ nhiều năm mà chẳng ai ngó tới. Anh đọc đủ loại sách: hôm nay có thể là một cuốn tiểu thuyết, ngày hôm sau có thể là một luận án triết học, và ngày hôm sau nữa có thể là một cuốn sử. Vì thế quả thực không cách gì tìm hiểu được anh từ cung cách đọc sách, vì tôi chẳng biết trong những sách ấy nói gì, trừ phi tôi phải mất công tự mình đọc lấy.

Một buổi tối Bành tới thăm tôi mà không báo trước. Khóa học đó, tôi đã dọn ra ở một nơi cư ngụ sang trọng bên ngoài đại học. Phòng trên lầu của tôi trông ra con đường dẫn tới đại học, và một sân chơi golf nhỏ mới mở.

Bành bước vào và ngồi phịch xuống chiếc ghế sô pha trắng tinh của tôi, lẳng lặng giũ bụi từ bộ quần áo cũ và nhàu nát của anh. Tôi đang đọc sách tại bàn giấy, và sau khi liếc nhìn anh, tôi lại cúi đầu xuống. Mắt tôi nhìn trang sách, nhưng trí óc tôi đang nghĩ tới chiếc ghế sô pha bên dưới bộ quần áo nhàu cũ của anh.

Bỗng nhiên Bành lên tiếng, hỏi tôi một cách cọc cằn, “Này Giang, anh có biết ngày nay tại Trung hoa có bao nhiêu nô lệ không?”

“Khoảng vài triệu người chứ gì.” Tôi trả lời ngay, không biết con số một người bạn cho tôi biết mấy hôm trước có chính xác hay không. Ðây không phải là một vấn đề làm bận tâm trí tôi.

“Vài triệu hả? Không, vài chục triệu đấy!” Bành có vẻ như điên cuồng, và nói tiếp, “Và theo nghĩa rộng hơn thì ít nhất ba phần tư dân số Trung hoa là nô lệ.”

Tôi nghĩ một cách tự mãn, “Hừ, dầu gì thì tôi cũng không phải là một người nô lệ.” Tôi ngẩng đầu lên nhìn Bành, hơi lạ về sự khích động của anh.

Bành chợt hỏi tôi một cách thô lỗ, “Anh có nô lệ không?”

Tôi nghĩ Bành sẽ khinh bỉ tôi nếu tôi không có nô lệ. Trong trường hợp đó anh ta lầm rồi vì tôi có tới mười sáu nô lệ. Cười một cách tự mãn, tôi khoe, “Dĩ nhiên một người như tôi thì phải có nô lệ. Chúng tôi có mười sáu nô lệ trong nhà.”

Bành bật lên một tiếng cười chua cay, và tôi nhận thấy một sự khinh bỉ lớn hơn – chứ không phải là sự kính phục hoặc thèm muốn – trong cái nhìn anh ném về phía tôi. Bành thực tình khinh bỉ một người có tới mười sáu nô lệ! Ðiều đó làm tôi ngạc nhiên. Tôi không thể tin được mắt tôi nữa. Trong lúc tôi cố tìm ra nguyên do thì tôi chợt nghĩ rằng đó là lòng ganh ghét. Bởi vì xét đoán cái lối sống thanh đạm của Bành, thì Bành chắc không thể có nô lệ được. Vì thế tôi dịu dàng hỏi anh, “Tôi nghĩ nhà anh cũng có nô lệ phải không?”

Tôi ngạc nhiên khi thấy Bành quay nhìn tôi, lần này là một cái nhìn đầy kiêu hãnh. “Ông cha tôi đã là nô lệ!” Bành nói như thể khoe khoang một thành tích lớn của mình.

Tôi nói một cách sửng sốt hơn, “Chắc không phải vậy. Giữa bạn bè thân với nhau cần gì phải khiêm tốn như thế.”

“Khiêm tốn? Tại sao tôi phải khiêm tốn?” Bành có vẻ ngạc nhiên, như thể tôi vừa nói một điều kỳ lạ.

“Nhưng anh vừa nói ông cha anh là nô lệ.”

“Thì họ là nô lệ mà.”

Tôi vẫn hoài nghi, “Nhưng anh là một sinh viên đại học…”

Bành khinh bỉ trả đủa tôi, “Tại sao con của những người nô lệ không thể là sinh viên đại học? Tôi dám nói một số tổ tiên của anh cũng đã là nô lệ.”

Tôi đứng vùng dậy như bị ai đánh vào đầu, coi lời nói của Bành là một điều sỉ nhục kinh sợ. Tôi bước lại đứng trước mặt Bành, giận dữ quắc mắt nhìn Bành. “Anh nghĩ rằng tổ tiên tôi cũng là nô lệ hả? Chuyện đó không thể có được! Tôi nói cho anh biết cha tôi có mười sáu nô lệ, ông nội tôi có tám và ông cố tôi có bốn; và trước đó tổ tiên tôi còn có nhiều nô lệ hơn nữa.” Thực ra tôi cũng không biết rõ về thời kỳ trước đó. Ông cố tổ tôi có thể chỉ là một thương gia nhỏ và không có nô lệ; hay là con một người nô lệ, cũng chưa biết chừng. Nhưng tôi luôn luôn thích tưởng tượng ông cố tổ tôi là một bậc đại quan, có dinh thự tráng lệ với hàng bầy hầu thiếp và nô lệ.

Có lẽ tôi không khoe khoang nhiều, nhưng chắc chắn tôi đã từng nói rằng, “Tổ tiên tôi là những bậc đại quan.” Thế mà bây giờ Bành cả gan nói thẳng vào mặt tôi rằng tôi là con cháu của những kẻ nô lệ. Tôi chưa bao giờ bị sỉ nhục như thế. Tôi không chịu đựng được và phải lấy lại danh dự. Tôi quắc mắt hằn học nhìn Bành. Nhưng khi mắt chúng tôi gặp nhau, cái nhìn sắt thép của Bành dần dần làm tôi bình tĩnh trở lại. Tôi cảm thấy tôi phải tôn trọng Bành vì Bành đã có ơn cứu tôi. Tôi quay trở lại ghế ngồi.

Cung cách của Bành có vẻ hống hách và Bành hẳn nhiên muốn chế nhạo tôi, “Phải, tôi tin anh bởi vì một người như anh hiển nhiên là xuất thân từ một gia đình có nô lệ. Nhưng một người như tôi thì không thể nào sinh ra trong một gia đình như thế. Ðó là điều tôi rất hãnh diện.”

Tin chắc rằng lòng thèm muốn làm tâm trí Bành bối rối, tôi không thể nhịn cười được.

Bành xầm mặt lại, và anh giơ tay lên như muốn che hình ảnh của tôi. “Anh cười cái gì? Phải, tôi hãnh diện là con cháu những người nô lệ. Bởi vì trái tim chúng tôi tiếp nối chặt chẽ với nhau… Anh thì biết gì? Mơ những giấc mơ đẹp đẽ giữa chăn ấm nệm êm trong căn phòng sang trọng này, thì làm sao anh hiểu được những thứ đó?… Tôi muốn mở mắt những người như anh!… Phải, tôi là con một người nô lệ, tôi không phủ nhận điều đó. Tôi có thể tuyên xưng điều đó một cách hãnh diện. Cha mẹ tôi đều là nô lệ, ông tôi và ông cố tôi trước kia cũng thế. Ði ngược dòng thời gian thì có lẽ không người nào trong gia tộc của tôi không phải là một người nô lệ.”

Tôi nghĩ Bành đang điên và tôi nên tìm cách cho anh ra về, trước khi anh gây rắc rối. Nhưng Bành vẫn tiếp tục nói:

“Phải, anh có mười sáu người nô lệ. Anh thỏa mãn, sung sướng và hãnh diện. Nhưng anh có biết những người nô lệ của anh sống thế nào không? Anh có thể kể cho tôi nghe truyện một người nô lệ không? Không, chắc chắn anh không thể.

“Thôi được rồi, để tôi kể cho anh nghe một vài câu chuyện… Ông nội tôi là một người nô lệ rất trung thành. Tôi chưa thấy ai trung thành hơn thế. Ông tôi làm việc vất vả suốt gần năm mươi năm trong nhà của chủ nhân. Vì là con một người nô lệ, ông tôi phải làm việc từ lúc còn rất nhỏ. Tóc ông tôi bạc ngay từ hồi tôi có trí nhớ. Chúng tôi sống trong một túp lều xiêu vẹo đằng sau căn nhà của chủ nhân, cha tôi, mẹ tôi, ông tôi và tôi. Nhưng mẹ tôi không ngủ trong túp lều này, vì mẹ tôi còn phải bận rộn hầu hạ các hầu thiếp và tiểu thư của chủ nhân. Tôi thường thấy ông tôi bị chủ nhân và các con trai của chủ nhân chửi mắng. Ông tôi chỉ đỏ mặt và chấp nhận những lời chửi mắng bằng cách cúi đầu xuống. Về mùa đông, gió thổi rung rinh mái lều của chúng tôi, và hơi lạnh buốt len qua khe hở của túp lều. Lạnh đến nỗi chúng tôi không thể ngủ được dưới những chiếc mền mỏng và trên những tấm ván gỗ cứng ngắc. Ba chúng tôi – lúc đó tôi chỉ là một đứa trẻ cùng với ông nội tôi, và cha tôi thì đang còn trẻ – thường đi ra ngoài lượm củi, lá khô và rơm để đốt lửa sưởi trên nền nhà. Khi chúng tôi ngồi xuống để sưởi thì ông tôi bắt đầu nói. Ông tôi hồi tưởng quá khứ và lên tiếng giảng dậy tôi, khuyên tôi phải tốt lành và lương thiện, phải làm việc trung thành cho chủ nhân như ông tôi đã làm. Ông tôi nói sự tốt lành sẽ được tưởng thưởng. Vào lúc ông tôi chấm dứt bài giảng thì lửa đã tắt và cũng khuya rồi. Ðã đến lúc ba chúng tôi phải đi ngủ, ôm chặt nhau trong đêm lạnh lẽo.

“Cuối cùng sự tưởng thưởng của ông nội tôi cũng đến. Một buổi sáng mùa hạ, khi chúng tôi thức giấc thì không thấy ông nội tôi đâu. Một lúc sau người ta tìm thấy ông tôi đã treo cổ tự tử trên cành cây bồ kết trong vườn. Mẹ tôi không cho tôi được nhìn mặt ông tôi lần cuối cùng. Xác ông tôi được đem chôn ngay, đặt trong một chiếc quan tài gỗ, và phần trên phủ một tấm chiếu. Tất cả tôi trông thấy được là đôi bàn chân to và dơ bẩn của ông tôi mà thôi. Ðó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông nội tôi.

“Tại sao ông nội tôi thắt cổ chết? Lý do rất là giản dị: ngày hôm trước, chủ nhân bị mất một số vật quý giá, và buộc tội ông tôi đã ăn cắp những vật ấy. Ông tôi đã trình bày lòng trung thành của mình – ông tôi không bao giờ có ý tưởng ăn cắp của chủ. Nhưng ông tôi đã bị bạt tai, bị chửi thẳng vào mặt và bị buộc phải trả lại những đồ chủ nhân đã mất. Ông nội tôi rất đỗi nhục nhã và cảm thấy đã phụ lòng chủ nhân khi không tạo được sự tin cẩn của chủ nhân, để đền ơn lòng tốt của chủ nhân. Ðiều này làm ông tôi đau đớn. Hơn nữa, sau khi làm nô lệ trung thành suốt từng ấy năm trời, ông tôi không có lấy một đồng xu để đền cho những của đã mất. Vì thế sau gần năm mươi năm trung thành phục vụ chủ, ông tôi đành phải dùng thắt lưng của mình treo cổ lên cây bồ kết. Ðó là “phần thưởng” của ông tôi.

“Mặc dầu cả nhà thương xót ông tôi, nhưng họ đều tin ông tôi là tên ăn cắp. Vì thế tôi không những là con một tên nô lệ, mà còn là cháu một tên ăn cắp nữa. Dẫu sao tôi cũng không tin ông tôi ăn cắp bất cứ cái gì. Ðiều đó không đúng với nhân cách của ông tôi. Ông tôi là một người tốt. Bây giờ vào buổi tối, cha tôi ôm dỗ tôi ngủ trong cánh tay rồi gục xuống ngủ sau một ngày làm việc vất vả. Nhưng đêm đó tôi không ngủ được, cứ nghĩ đến ông tôi. Khi nghĩ tới khuôn mặt hiền từ của ông tôi thì mặt tôi đầm đìa nước mắt. Tôi bỗng nhiên cảm thấy tôi đang nằm trong vòng tay ôm của ông tôi, và tôi thổn thức, “Ông nội, con không tin ông ăn cắp một cái gì. Tên ăn cắp phải là một người khác.”

Chợt tôi nghe tiếng cha tôi, “Con nói gì thế hả Tiểu Ngưu?” Vì tôi sinh ra trong năm con trâu, nên tôi còn được gọi là Tiểu Ngưu. Tôi lau nước mắt nhưng cha tôi đã trông thấy. Chính cha tôi là người đang ngủ cạnh tôi. Tôi bật khóc đến nỗi cha tôi không ngủ được. Cha tôi cũng khóc, và cố gắng an ủi tôi, “Tiểu Ngưu, con nói đúng. Ông nội con không bao giờ ăn cắp một cái gì. Cha biết tên ăn cắp là ai.”

Tôi nắm lấy cánh tay cha tôi và năn nỉ cha tôi cho tôi biết tên ăn cắp là ai. Sau một lúc do dự, cha tôi thở dài và nói, “Ðược rồi, nếu con hứa không kể cho ai biết.” Tôi hứa, dù rằng không ai coi trọng lời hứa của một đứa trẻ. Cuối cùng cha tôi chua chát nói, “Ðó là con trai lớn của chủ nhân. Ông nội con cũng biết thế. Con không được nói cho ai biết. Ông nội con đã sẵn sàng dùng mạng sống của mình để che giấu cho tiểu chủ nhân, vì thế cha không thể nói sự thực ra được. Ông nội đã chết rồi, và nếu bây giờ cha nói ra thì cũng chẳng ai tin, mà còn gây rắc rối cho chúng ta nữa…”

Bành ngừng lại, mỉm cười nhăn nhó rồi nói tiếp, “Tôi kể cho anh nghe ý chính những điều cha tôi nói cho tôi nghe, chứ không phải là nguyên văn như vậy. Nhưng tôi kể không thiếu một chi tiết quan trọng nào. Anh đừng nên nghĩ là tôi bịa chuyện.”

Tôi lặng lẽ gật đầu để Bành tiếp tục nói, “Tôi không hiểu lý do của cha tôi, nhưng tôi sợ không dám hỏi thêm nữa. Dầu vậy tôi vẫn nhớ ông tôi và khóc vì ông. Tôi vẫn còn cha mẹ, và chúng tôi yêu thương nhau. Sau cái chết của ông tôi, cha tôi lúc nào cũng có vẻ lo lắng và ít khi cười.

“Một buổi tối – lúc đó là mùa đông – cha con tôi đang ngồi sưởi bên một đống lửa trong nhà thì thình lình có sự xô xát bên ngoài, và có người kêu lên, “Cứu tôi với! Cứu tôi với!” Hoảng sợ, tôi nhảy vào vòng tay cha tôi, hai tay ôm chặt lấy cổ cha tôi. Cha tôi thì thầm, “Ðừng sợ. Có cha đây.” Rồi bên ngoài im lặng. Nhưng chỉ một lát có người đến cửa lều của chúng tôi, và nói chủ nhân muốn gặp cha tôi. Cha tôi đi khá lâu và tôi hoảng sợ phải ngồi một mình. Rồi cha tôi trở về cùng với mẹ tôi, cả hai đều khóc sướt mướt. Cha tôi ôm tôi vào lòng, rung lên từng hồi nức nở và nói chuyện một cách tuyệt vọng với mẹ tôi. Ðêm đó cả ba chúng tôi nằm ngủ ôm chặt lấy nhau. Tôi không hiểu hết những điều cha mẹ tôi nói chuyện với nhau. Tất cả những gì tôi nhớ được chỉ có thế này: “Nên để tôi chết. Tôi sống có ích gì đâu? Chúng ta là nô lệ của chủ nhân, chúng ta phải làm theo ý chủ nhân… Nếu chúng ta có thêm con trai nữa thì chúng cũng sẽ trở thành nô lệ mà thôi – không ai thoát được số phận này. Nếu tôi còn sống thì thằng Tiểu Ngưu cũng sẽ là nô lệ, nối tiếp cái dòng giống nô lệ. Tôi nên bán mạng sống của tôi cho chủ nhân, để Tiểu Ngưu có thể đi học và sau này làm chủ lấy đời mình…”

Mắt Bành đỏ ngàu. Sau một lát yên lặng, anh lại tiếp tục, “Tôi nhớ những gì cha tôi nói, và sẽ không bao giờ quên cho tới ngày tôi chết. Dĩ nhiên tôi đã nói lại cho văn vẻ thêm đôi chút cho gần với ngôn ngữ của anh. Tuy thế anh vẫn có thể cảm thấy sự xúc động sau những lời nói của cha tôi.

“Mẹ tôi không nói nhiều, chỉ ôm lấy cha tôi và khóc nức nở, “Làm sao em có thể sống mà không có mình?” Tôi không biết chuyện gì nhưng cũng khóc.

“Sáng hôm sau, khi chúng tôi vẫn còn nằm trên giường thì lính tới tìm cha tôi. Mẹ tôi nắm lấy tay áo cha tôi và khóc, tôi cũng vậy. Cha tôi bị buộc tội giết người đêm hôm trước. Tôi không tin như thế. Cha tôi ngồi cạnh tôi bên đống lửa. Khi sự xô xát xảy ra bên ngoài thì cha tôi ôm tôi vào lòng và không rời tôi – thế thì làm sao cha tôi giết người bên ngoài được? Cha tôi không bào chữa cho mình, và chỉ cúi đầu yên lặng khi bị dẫn đi. Tôi điên cuồng chạy theo nắm cánh tay áo cha tôi trong lúc mẹ tôi không nói gì. Người ta phải đạp tôi té xuống và lôi cha tôi đi.

“Ðó là lần cuối cùng tôi trông thấy cha tôi. Chỉ vài tháng sau, cha tôi chết vì bệnh ở trong tù. Lúc đó mẹ tôi không còn làm việc hầu hạ trong nhà chủ nhân nữa. Chúng tôi đã dọn ra ngoài và tôi được đi học. Tất cả những chi phí của chúng tôi được chủ nhân đài thọ. Chủ nhân đã mua mạng sống của cha tôi làm một vật tế thần cho con trai của chủ nhân. (Về sau tôi nghe nói kẻ sát nhân chính là tiểu chủ nhân). Chủ nhân không bội lời hứa… Vậy tôi có nên biết ơn ông ta hay không? Không, tôi căm ghét ông ta và con trai ông ta. Họ là kẻ thù của tôi, những kẻ đã dồn ông nội tôi và cha tôi vào cái chết. Nhưng tôi dùng tiền họ trả cho mạng sống của cha tôi. Cha tôi hy sinh mạng sống để tôi được như ngày nay. Mục đích của cha tôi đã đạt được. Dù thế nào, tôi cũng sẽ chấm dứt cái dòng giống nô lệ…”

Bành chợt ngưng bặt, nét mặt anh đau đớn một cách sợ hãi, răng cắn chặt môi để đè nén sự bùng nổ của một cơn giận dữ. Tôi đoán Bành giữ lại một điều bí mật nào đó. Mặc dầu tôi rất xúc động vì những điều Bành kể, tôi nhìn anh chằm chằm như thể muốn hỏi, “Anh còn những bí mật đáng ghê sợ nào nữa không?”

Bành chắc đoán được ý tôi, vì mặt anh bỗng bừng đỏ – có thể vì xấu hổ hoặc giận dữ. Sau khi đi lại vài bước trong phòng, Bành ngồi xuống với một vẻ mặt khủng khiếp. “Phải, câu chuyện không chấm dứt ở đó. Tôi còn dấu một vài điều. Nhưng tôi có thể kể cho anh nghe. Một hôm tôi đi học về sớm hơn thường lệ, và trông thấy mẹ tôi ngồi trên giường với một người đàn ông. Hai người không trông thấy tôi, vì thế tôi lẩn tránh bên ngoài, tim tôi muốn vỡ tung vì giận dữ và tủi nhục. Trong lúc tôi chăm chỉ học hành ở trường thì mẹ tôi làm điếm ở nhà! Cái ý tưởng đó làm tôi đau lòng, tuy thế tôi vẫn yêu mẹ tôi và không sỉ vả bà. Hơn nữa, tôi nhận thấy người đàn ông kia là tiểu chủ nhân. Lại hắn và giai cấp của hắn! Sau khi dồn ông nội tôi và cha tôi vào cái chết, thì hắn lại tới đây dụ dỗ mẹ tôi. Tôi nghe thấy mẹ tôi bảo hắn, “Mau lên và về đi kẻo Tiểu Ngưu đi học về bây giờ.” Gã tiểu chủ nhân nói với mẹ tôi điều gì và mẹ tôi trả lời, “Xin tội nghiệp dùm tôi và đừng tới đây nữa, nếu không thiếu gia sẽ gặp Tiểu Ngưu! Xin mở lòng nhân từ!…”

“Khi tôi bước vào phòng thì mẹ tôi đang ngồi một mình trên giường, gục đầu mải suy nghĩ. Tôi chạy ùa lại. Mẹ tôi giật mình và vô cùng xấu hổ. “Con đã về đấy à?”

“Tôi đập mạnh vào đầu gối mẹ tôi, lòng tan nát vì tủi nhục và giận dữ. Tôi la lên, “Mẹ không biết nhục! Cha con chết chưa được một năm mà mẹ đã vui đùa với đàn ông khác!” Mẹ tôi vẫn im lặng. Tôi tiếp tục nói, “Con chăm chỉ học hành ở nhà trường, thế mà mẹ làm thế này. Sao mẹ có thể thế được!” Mẹ tôi chỉ gọi tên tôi, “Tiểu Ngưu”, rồi nằm lăn xuống giường khóc nức nở. Tiếng khóc của mẹ tôi làm lòng tôi dịu lại, nhắc nhở tôi đến sự chăm sóc yêu thương của mẹ tôi, và cảnh mẹ tôi ngồi bên tôi khi tôi học bài mỗi buổi tối, cách mẹ tôi an ủi và khuyến khích tôi. Tôi vội xin lỗi, “Con xin lỗi mẹ. Ðáng lẽ con không được làm mẹ đau lòng khi nói với mẹ như thế. Xin mẹ tha thứ cho con.”

“Một lát sau, mẹ tôi ngẩng đầu lên và ngồi dậy, rồi bắt tôi ngồi cạnh. Mẹ tôi buồn bã nói với tôi, “Tiểu Ngưu, con nói đúng. Chính mẹ mới là người phải xin con tha thứ. Từ khi cha con chết đi, mẹ chỉ còn có con. Mẹ sống chỉ vì con. Nếu không có con, mẹ sẽ sung sướng đi theo cha con xuống mồ rồi. Con không nhớ lời từ giã của cha con hay sao? Cha con không thể nào chịu đựng được để con là một người nô lệ, và muốn con đi học để đi ra ngoài đời. Nếu cha con đã đổi mạng sống cho mục đích ấy thì tại sao mẹ không làm được? Bởi vì, có lẽ tại tội lỗi của mẹ từ kiếp trước, khi mẹ hầu hạ các phu nhân trong nhà chủ nhân, tiểu chủ nhân vẫn quấy rầy mẹ, và mẹ không có cách nào trốn tránh được. Sau khi cha con chết và chúng ta dọn ra ngoài này, tiểu chủ nhân vẫn đến đây tìm mẹ. Dĩ nhiên tiểu chủ nhân chỉ muốn chơi đùa giải trí với mẹ. Ðến tìm mẹ thì dễ dàng hơn đi tới những nơi khác, và mẹ cũng có lỗi vì đã có nhan sắc. Gia đình tiểu chủ nhân bỏ tiền nuôi chúng ta, và con muốn đi học – chúng ta không thể làm như thế nếu không có tiền bạc của họ. Mẹ không có cách nào từ chối tiểu chủ nhân… Tiểu Ngưu, xin tha thứ cho mẹ! Mẹ không quan tâm những gì xảy ra cho mẹ, miễn là con được đi học và không trở thành một người nô lệ.” Dĩ nhiên đó không phải nguyên văn lời nói của mẹ tôi, chỉ là ý chính những gì mẹ tôi nói.

“Tôi ôm chặt mẹ tôi, yêu mẹ tôi hơn bao giờ hết. Tôi nói một cách đau đớn, “Như vậy thực là quá đáng đối với mẹ. Con sẽ thôi không đi học nữa. Con không thể để mẹ chịu đựng những khổ nhục như vậy được. Con không muốn tiếp tục đi học nữa, con sẽ là một người nô lệ vậy.”

“Ngay lập tức mẹ tôi lấy tay bịt miệng tôi lại và kêu lên, “Ðừng nói chuyện ngớ ngẩn. Con phải học và trở thành người khá. Ðể con được đi học, mẹ sẽ sung sướng chịu đựng những tủi nhục suốt đời cũng được.”

“Suốt tối hôm đó, mẹ tôi lý luận với tôi bằng một giọng đầy nước mắt, và cuối cùng tôi bằng lòng làm theo ý mẹ tôi. Sáng hôm sau, tôi đi học như thường lệ, và tôi không nói đến việc bỏ học nữa. Tôi học rất chăm chỉ, cố nuốt tất cả mọi kiến thức tôi học được ở nhà trường, tin tưởng rằng kiến thức ấy sẽ dẫn tôi tới một tương lai sáng sủa. Tôi cương quyết thực hiện bằng được ước nguyện chấm dứt cảnh nô lệ cuả cha mẹ tôi.

“Nhưng thực tế chua chát đè nặng lên tôi. Quá khứ dường như một con quỷ dữ luôn ám ảnh tâm hồn tôi. Ðời sống quả thực khốn khổ, nhất là đối với một người muốn tự giải thoát khỏi cảnh nô lệ. Tuy vậy tôi vẫn có hy vọng của tôi; tình yêu và ước vọng của mẹ tôi khích lệ tôi. Ðiều này đã giúp tôi chịu đựng được tất cả.

“Dĩ nhiên gã tiểu chủ nhân vẫn lần mò tới tìm mẹ tôi. Tôi ghê tởm hắn vô cùng! Nhưng tôi không tỏ dấu hiệu đó ra. Mỗi khi gã tiểu chủ nhân ra về rồi, mẹ tôi trở thành một người khác hẳn. Mẹ tôi khóc như mưa như gió, và tôi phải mất nhiều thời giờ an ủi mẹ tôi. Nếu sự việc cứ tiếp tục như thế thì mẹ tôi chắc chết mất. Nhưng may mắn là bốn năm tháng sau, gã tiểu chủ nhân kiếm một cô gái làm hầu thiếp và không còn tìm đến chỗ ở của chúng tôi nữa. Mẹ tôi sống bình yên được vài năm, cho tới lúc tôi vào đại học.

“Mẹ tôi chết được ba năm rồi. Tôi không bao giờ quên mẹ tôi, dù là một ngày, cả ông nội tôi và cha tôi nữa. Tôi thường suy nghĩ về cuộc đời bị áp bức của họ mà không hề xấu hổ – Tôi không bao giờ xấu hổ vì họ. Tôi hãnh diện rằng ông cha tôi là nô lệ, phải, rất là hãnh diện. Mặc dù ông nội tôi bị gán cho tội ăn cắp và phải treo cổ tự vẫn, và cha tôi chết trong ngục tù như một vật tế thần, và mẹ tôi trở thành điếm, nhưng anh có thể buộc tội họ về bất cứ một hành động dơ bẩn nào không? Họ có làm hại ai không?…” Bành nổi nóng nói tiếp, “Tôi biết anh chế nhạo họ, khinh bỉ họ. Nhưng anh không hiểu được tâm trạng của họ! Họ có những trái tim bằng vàng, không giống loại người như anh.

“Ý nghĩ về họ đã khiến tôi đêm không ngủ được. Một cảm giác ám ảnh tôi – không phải xấu hổ mà là căm giận. Tôi nghĩ: Tại đây tôi nằm trên chiếc giường thoải mái trong khi ở những nơi khác, hàng chục triệu nô lệ đang rên xiết cái số phận bất hạnh của họ. Họ đang sống một cuộc đời khốn khổ như cuộc đời ông tôi. Trong lúc các chủ nhân của họ mải mê mơ những giấc mộng đẹp thì những người già bị buộc tội ăn cắp, phải treo cổ tự tử sáng hôm sau; những người còn trong tuổi trẻ thì bị bắt buộc trở thành vật tế thần; những người mẹ những người con gái thì buộc phải rơi vào vòng tay của chủ nhân; trẻ con thì nắm tay áo cha mà kêu khóc. Tôi bắt đầu nguyền rủa họ một cách tàn ác, nguyền rủa anh và loại người như anh. Ước gì tôi có thể loại bỏ các anh cho tới người cuối cùng! Các anh đã dồn ông nội tôi vào cái chết, mua mạng sống của cha tôi, và hiếp mẹ tôi. Bây giờ họ đã chết cả rồi trong khi các anh vẫn còn sống. Tôi muốn trả thù các anh…”

Lúc ấy Bành hăm dọa tôi bằng cách đứng lên và tiến lại gần tôi đến nỗi tôi không thể kêu lên được. Trong lúc tôi lo lắng để bảo vệ mình thì Bành quay về phía cửa sổ. Ðứng tại cửa sổ và nhìn quang cảnh bên ngoài, Bành bỗng nhiên chỉ tay ra bên ngoài và bừng giận, “Coi kìa!” Tôi trông thấy Bành chỉ tay ra cái sân golf nhỏ. Sân golf tràn đầy ánh sáng, và một vài nhân viên mặc áo trắng đi lại trước cổng, trong khi một phụ nữ ngoại quốc ăn mặc hở hang đang bán vé vào cửa. Thanh niên nam nữ ăn mặc đúng thời trang đang đi dạo bên trong, từng cặp một.

“Chúng tôi làm việc cực khổ hết năm này qua năm khác, ông nội chúng tôi phải treo cổ tự tử, cha chúng tôi chết mục trong tù, mẹ và em gái chúng tôi bị hãm hiếp, con trẻ của chúng tôi chỉ biết khóc. Và không một ai trong cái sân golf kia – loại người như anh – có một chút lương tâm!” Cơn giận dữ trong giọng nói của Bành dường như sôi sục lên cùng với nỗi cực khổ ngàn đời của cả một giai cấp. Tôi cảm thấy như bị roi quất vào mặt. Mắt tôi bỗng mở ra và trông thấy vô vàn những thảm kịch. Tôi biết rõ rằng chúng tôi có mười sáu nô lệ ở nhà, và nhớ rằng tôi muốn tăng gấp đôi con số đó. Con số mười sáu và ba mươi hai thoáng hiện lên trước mắt tôi. Tôi thấy tôi là gã tiểu chủ nhân đã hủy hại ông nội của Bành, đã bắt cha của Bành bị trừng phạt thay cho mình, đã hiếp mẹ của Bành. Tôi cảm thấy sợ hãi, tưởng tượng hai cặp mắt ăn tươi nuốt sống đang sửa soạn trả thù tôi. Nghĩ rằng giờ cuối cùng của tôi đã tới, tôi bật lên tiếng kêu kinh hoàng.

Bành dịu dàng hỏi tôi, “Cái gì thế Giang? Tại sao anh hét lên thế?”

Không nói được nên lời, tôi chỉ biết dụi mắt.

Bành cười nhăn nhó, “Anh sợ tôi hả Giang? Anh phải biết rằng tôi không bao giờ hại anh.”

Ðến đây tôi bình tĩnh hơn. Tôi nhìn chăm chú vào mặt Bành và không thấy một dấu hiệu hăm dọa nào. Nhớ lại có lần Bành đã cứu tôi thoát chết, tôi hỏi một cách ngờ vực, “Bành, tại sao anh cứu sống tôi? Tôi là một người chủ nô lệ, kẻ thù của anh. Tại sao anh không để chiếc xe hơi đó cán chết tôi?”

Lại một nụ cười nhăn nhó nữa. Rồi ngay sau đó Bành nói dịu dàng, “Tôi nghĩ đó là tâm trạng của một người nô lệ.”

Tôi nhìn Bành im lặng, nước mắt muốn trào ra.

Bành có thể nghĩ tôi không hiểu, bởi vì anh bắt đầu giải thích: “Ðể từ chối hạnh phúc của mình cho hạnh phúc một người khác; bỏ mạng sống của mình thay cho một người khác mà không hối tiếc — đó là tâm trạng của một người nô lệ. Cái tâm trạng này đã truyền từ tổ tiên tới ông nội tôi, từ ông nội tôi sang đến cha tôi, và từ cha tôi tới tôi.” Bành chỉ tay vào ngực mình, và trong một thoáng tưởng tượng, tôi trông thấy một trái tim to, đỏ rực đang đập tại đó. Tôi liếc nhìn ngực tôi. Cái gì nằm bên dưới đã bị chiếc áo chẽn sang trọng của tôi che kín.

“Bao giờ tôi sẽ loại bỏ được cái tâm trạng nô lệ này, trái tim của một người nô lệ?” Giọng nói đau khổ của Bành gây khó chịu cho tai tôi đến nỗi tôi phải bịt tai lại. Tôi không có ngay cả trái tim của một người nô lệ! Có lẽ tôi là người không có trái tim. Bị tràn ngập bởi xấu hổ, kinh hoàng và đau buồn, tôi muốn ngất đi. Tôi không biết Bành bỏ đi lúc nào.

Sau đó tôi ít gặp Bành, bởi vì càng ngày Bành càng kỳ cục hơn. Bành bây giờ ít khi đi dạo trên sân chơi và không thấy đi dạo ngoài phố. Tôi thường lại phòng của Bành, nhưng chẳng bao giờ gặp. Chúng tôi xa cách nhau, và về sau tôi quên hẳn câu chuyện của anh. Tôi có bạn của tôi và thú giải trí của tôi. Tôi đi coi chiếu bóng, khiêu vũ, và chơi golf với bạn gái của tôi. Khi tôi và các bạn tôi nói về những nô lệ trong nhà chúng tôi, tôi thường khoe, “Chúng tôi có mười sáu nô lệ, và tôi định gia tăng số đó lên ba mươi hai.”

Chỉ vài năm sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã đạt được mục đích ấy. Tôi có ba mươi hai nô lệ phục vụ gia đình tôi rất trung thành. Hạnh phúc và tự mãn, tôi hoàn toàn quên câu chuyện về nô lệ Bành đã kể cho tôi nghe.

Một hôm vợ tôi và tôi ngồi hóng mát trong hoa viên cùng với năm người nô lệ đứng hầu. Trong lúc tôi lật từng trang báo ngày hôm đó, trong mục tin tức địa phương, tôi đọc thấy tin xử tử một nhà cách mạng. Tên người đó là Bành. Tôi biết nhất định đó là anh ta, người ân nhân đã cứu sống tôi và sau đó bị tôi bỏ quên. Câu chuyện anh kể cho tôi nghe, mà tôi đã quên từ nhiều năm, nay bỗng hiện về trí óc tôi. Tôi nghĩ chắc bây giờ anh đã loại bỏ được trái tim của người nô lệ. Cái dòng dõi nô lệ của gia tộc anh đã chấm dứt. Có lẽ đó là điều hạnh phúc nhất của anh. Nhưng nhớ lại lần anh cứu tôi thoát chết, tôi cảm thấy mắc nợ anh. Nhìn tờ báo một cách trầm tư, tôi không thể không bật ra một tiếng thở dài.

“Tại sao mình thở dài thế?” Vợ tôi đưa tay vuốt tay tôi và nhìn tôi bằng một sự quan tâm dịu dàng.

“Không có gì cả. Một người bạn học cũ của anh đã chết.” Tôi khẽ trả lời. Hình ảnh cái khuôn mặt xinh đẹp của vợ tôi, với cặp mắt to sáng lóng lánh tràn đầy tình yêu, đã làm tôi quên tất cả.

Hết

Bình luận về bài viết này

Filed under Truyện ngắn

Bình luận về bài viết này